Năm 2018 Danh_sách_những_bê_bối_liên_quan_đến_giáo_dục_Việt_Nam

Giáo viên trung tâm tiếng Anh xúc phạm nhà giáo và học sinh

Trong một clip được đăng lên mạng vào đầu tháng 5 năm 2018, xuất hiện một giáo viên tại một trung tâm tiếng Anh gây chấn động dư luận với những phát ngôn xúc phạm học viên bằng câu từ như ''óc lợn'' khi học viên này không chịu ''nộp phạt'' 100.000 đồng trong điều luật đã thỏa thuận. Đáng chú ý hơn, giáo viên này đã xưng ''mày tao'' và xúc phạm tư cách nhà giáo với ngôn từ nặng nề. Người này là bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, một giáo viên của trung tâm tiếng Anh MST nhưng chỉ có bằng tốt nghiệp đại học mà không có bằng cấp chứng chỉ.[9][10] Ngay sau đó, Thanh tra Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội quyết định giải thể trung tâm tiếng Anh của bà Nguyễn Thị Kim Tuyến và xử phạt 20 triệu đồng. Cá nhân bà Tuyến bị phạt 5 triệu đồng.[11][12]

Gian lận thi THPT quốc gia

Năm 2018, đã xảy ra hàng loạt sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi THPT Quốc gia. Vụ việc liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.[13][14] Trong quá trình điều tra, 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có tới 347 bài thi bị can thiệp điểm.[15]

Giáo viên tát học sinh 231 cái ở Quảng Bình

Vụ việc xảy ra tại trường Trung học cơ sở Duy Ninh (xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Trong buổi học chiều 19 tháng 11, khi nghe các học sinh báo một nam học sinh chửi tên phụ huynh của bạn bên cạnh, giáo viên Nguyễn Thị Phương Thủy đã yêu cầu 23 học sinh khác phạt em học sinh này bằng cách tát vào má. Mỗi người tát bạn 10 cái, nếu tát nhẹ sẽ bị phạt ngược lại. Trong quá trình bị phạt, nam học sinh bị cô giáo tát một cái. Cô Thủy chỉ chứng kiến một phần quá trình các bạn tát rồi đi ra ngoài.[16]

Nam sinh sau đó phải nhập viện ba ngày để điều trị do sưng má và ảnh hưởng tinh thần. Công an huyện ra quyết định khởi tố bị can đối với giáo viên này về tội hành hạ người khác quy định tại khoản 2 điều 140 Bộ luật Hình sự.[16][17] Nữ giáo viên thừa nhận việc làm của mình là sai trái, và mong phụ huynh tha thứ.[18]

Hơn 500 giáo viên hợp đồng mất việc cùng lúc tại Đắk Lắk

Khoảng năm 2010 đến năm 2016, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk trải qua 3 nhiệm kỳ chủ tịch huyện có hơn 578 giáo viên được kí hợp đồng.[19][20] Trong số những giáo viên này có 370 trường hợp có vị trí tuyển dụng, 208 trường hợp không có vị trí tuyển dụng. Trong khi đó biên chế của huyện chỉ còn 83 chỉ tiêu.[21] Ngày 9 tháng 3 năm 2018, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắc đã có thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng đối với 208 giáo viên không có vị trí tuyển dụng. Những giáo viên còn lại phải thi tuyển để chọn 83 chỉ tiêu, nhưng tại kỳ thi tuyển viên chức ngày 22 tháng 4 chỉ có 28 giáo viên trúng tuyển.[21][22]

Ngày 19 tháng 9, các giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk đã gửi bức "tâm thư" lên Thủ tướng Chính phủ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình trước việc bị chấm dứt hợp đồng lao động.[23]Ông Y Suôn Byă, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện và ông Nguyễn Thành Dũng, bí thư Huyện ủy đã bị kỷ luật hình thức khiển trách. Ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bị kỷ luật cảnh cáo.[24][25]